JLPT là là kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Nhật phổ biến nhất từ trước đến nay. Chứng chỉ JLPT không chỉ là thước đo năng lực tiếng Nhật của người học mà còn là một trong những “tấm vé” không thể thiếu nếu muốn sang Nhật Bản làm việc, học tập, đặc biệt là đối với các lập trình viên, tester, QA QC có định hướng “Đông du”.
Chỉ còn khoảng 4 tuần nữa thôi là kỳ thi JLPT đầu tiên của năm 2023 đã đến rồi. Trong bài viết này, CodlUCK sẽ chia sẻ “Chiến lược ôn thi” JLPT cấp độ N3 cho tất các các kỹ năng trong giai đoạn nước rút này nhé!
Chiến Lược Học & Ôn Thi JLPT N3 Trong 1 Tháng
Bước 1: Tìm hiểu rõ cấu trúc đề thi và cách tính điểm
“Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”. Điều đầu tiên cần làm trước mội trận chiến chính là “hiểu rõ kẻ địch”. Đề thi JLPT N3 sẽ gồm những phần nào? Thời gian làm bài là bao lâu? Kỹ năng cần có ở từng phần sẽ là gì?
Đề thi tiếng Nhật N3 gồm tổng cộng 3 phần:
- Phần 1: chữ Kanji, từ vựng N3
- Phần 2: ngữ pháp N3, đọc hiểu N3
- Phần 3: Nghe hiểu N3
Điểm đỗ tối thiểu là 95 điểm (tối đa: 180 điểm).
Bước 2: Làm đề thi thử
Tại sao lại là làm đề thi thử? Làm đề thi thử giúp chúng ta đo lường được kiến thức của mình, biết mình đang ở vị trí nào, kĩ năng nào làm tốt rồi và kĩ năng nào còn nhiều lỗ hổng. Sau khi hiểu rõ được khả năng của mình thì mới có thể tính được các bước học/ôn thi tiếp theo sao cho phù hợp.
Đề thi thử ở trên mạng có khá nhiều, bạn có thể làm đề thi thử miễn phí trên các trang học tiếng Nhật online nổi tiếng như Riki Nihongo, SOFL, Akira,… hoặc bạn cũng có thể sử dụng các đề thi của những năm trước. Mình khuyến khích bạn dành đủ thời gian và làm đề một cách nghiêm túc như thi thật để có kết quả đúng với kiến thức và năng lực nhất.
Tuy nhiên, trong trường hợp không có thời gian làm trọn vẹn 1 đề, bạn hãy thử làm từng phần một. Ví dụ như phần từ vựng, bạn có thể dành thời gian làm hết phần này trước để kiểm tra kiến thức từ vựng của mình xem được bao nhiêu %, tương tự với các phần ngữ pháp, đọc hiểu, nghe hiểu nhé.
- Nếu kết quả trên 70% thì chúc mừng bạn, phần từ vựng của bạn đã khá chắc chắn rồi, giờ hãy dành 70% thời gian học ôn của bạn để ôn luyện các phần còn lại. Ví dụ, mỗi ngày bạn dùng 100 phút để học ôn tiếng Nhật, bạn nên dành 70 phút để học đọc và nghe.
- Nếu kết quả dưới 70%, bạn nên ôn lại phần từ vựng 1 lần nữa và chuẩn bị kĩ càng cho lần thi thử thứ 2 để đảm bảo kết quả đáp ứng trên 70%.
3. Lập chiến lượn ôn thi cho từng môn
Như mình đã nói ở trên, đề thi JLPT có 3 phần là: Từ vựng – chữ Hán – ngữ pháp; Đọc hiểu; Nghe hiểu. Đối với mỗi phần, mình sẽ đưa ra phương pháp ôn luyện tương ứng mà mình từng áp dụng khá hiệu quả, các bạn có thể tham khảo nhé!
Đối với phần Từ Vựng – Chữ Hán, vì thời gian khá gấp rút mà số lượng từ vựng “khổng lồ” nên mình sẽ đưa ra 2 phương pháp:
- Ôn thật kĩ những từ đã từng xuất hiện trong các đề thi năm trước (có những từ đã xuất hiện 7-8 lần)
- Ôn tập một cách bao quát với trọng tâm là 3 từ khóa sau:
– Tỉ lệ input : output là 3:7 (30%thời gian học, 70% thời gian để ôn luyện đề)
– 音読 (đọc to thành tiếng)
– 書き写す (ghi chép lại)
Khi học từ vựng, việc phát âm và viết từ vựng đó ra giúp chúng ta tận dụng được nhiều giác quan, từ đó có thể ghi nhớ nhanh hơn và lâu hơn.
Đối với phần Ngữ Pháp, trong giai đoạn gấp rút này, việc chúng ta cần làm chỉ là “học thuộc” mà thôi. Số lượng ngữ pháp N3 chỉ rơi vào khoảng 200 mẫu, ít hơn rất nhiều so với số lượng từ vựng. Bạn có thể tận dụng triệt để flashcard, app trên điện thoại thông minh, hoặc tổng hợp lại các cấu trúc ngữ pháp ra giấy để có thể mang theo bên người bất cứ lúc nào.
Phần Đọc Hiểu là phần “nhức nhối” nhất đối với nhiều bạn, kể cả khi đã nắm chắc từ vựng ngữ pháp nhưng khi bắt đầu đọc một vài bài dài lê thê cùng với sức ép về thời gian thì hẳn là chẳng mấy ai thích thú phần này. Dưới đây mình sẽ đưa ra cách mà mình đã áp dụng trong 1 tháng cuối trước kỳ thi và thấy khá hiệu quả, các bạn tham khảo nhé!
- Chia nhỏ: Đặt mục tiêu đọc mỗi ngày (1 trang, nửa trang,… tùy khả năng mỗi người) để tạo thói quen đọc, sau đó nâng dần cấp độ lên (đọc nhiều trang hơn).
- Bấm giờ: JLPT chính là cuộc đua về thời gian. Mỗi phần thi đều bị giới hạn thời gian làm nhất định, vì vậy việc bấm giờ là vô cùng quan trọng, nhất là khi làm phần đọc hiểu.
Khi ôn phần Nghe Hiểu, các bạn chú ý “Tăng từ vựng dạng nghe”, “Ôn từ đồng nghĩa” và “Nghe theo dạng đề”. Khi vào bài nghe, chúng ta thường mất 1 khoảng thời gian để định hình xem từ mình vừa nghe được là gì, mặc dù từ này mình đã học thuộc, ôn kĩ. Mình khuyến khích các bạn sử dụng sách Mimi kara oboeru để luyện từ vựng và nghe.
Một điều quan trọng nữa là chú ý vào “từ đồng nghĩa”. Chúng là nhân tố chắc chắn sẽ xuất hiện trong 1 bài 5 câu của đề thi JLPT N3, hơn nữa cũng là thành phần xuất hiện nhiều trong các bài đọc hiểu.
” Ôn tập theo dạng đề” : Ở cấp độ N3, chúng ta có thể ôn tập kết hợp với giải trí. Mỗi ngày bạn hãy xem 1 tập anime để làm quen về ngữ âm, ngữ điệu (độ dài khoảng 20p) vì phần Choukai N3 xuất hiện rất nhiều phân cảnh trong đời sống thường ngày. Mình đã chia sẻ mẹo làm từng dạng bài nghe ở cuối bài viết, bạn kéo xuống để tham khảo nhé!
Tips Để Đạt Được Số Điểm Tối Đa Theo Từng Phần Thi
1. Từ Vựng – Chữ Hán
* Bài 1: Tìm cách đọc của chữ Hán: → Hiragana
Chữ Kanji sẽ có trong 1 câu và bạn phải tìm cách đọc Hiragana tương ứng. Ví dụ:
Tip: Kanji có âm Hán Việt tận cùng là ~NG, ~NH thì hay có trường âm (VD: Trung Quốc 中国―ちゅうごく、Thanh niên 青年―せいねん). Do đó trong quá trình học Kanji việc nhớ được âm Hán Việt của Kanji cũng hết sức quan trọng. Ngoài ra cũng có một số trường hợp đặc biệt thì không còn cách nào khác là học thuộc lòng nhé!
* Bài 2: Ngược lại với bài 1: Hiragana → Kanji
Có một vài trường hợp, các đáp án có cách đọc giống nhau, do đó bạn cần phải đọc cả câu để hiểu được ý nghĩa nhé.
Với bài 1, 2 cần nắm chắc được cách đọc chữ Hán, lưu ý trường âm, âm đục, âm ngắt.
* Bài 3: Tìm từ vựng phù hợp ý nghĩa :
Với bài này, cần dịch được tương đối nội dung của câu và hiểu nghĩa của các đáp án, lựa chọn đáp án chính xác nhất. Các bạn có thể dùng phương pháp “loại trừ đáp án” để làm dạng bài này.
* Bài 4: Tìm cụm từ có cùng ý nghĩa
– Dịch được nghĩa của từ gốc, hoặc phán đoán nghĩa của từ đó bằng cách đọc cả câu.
– Chọn từ/cụm từ gần nghĩa nhất bằng cách: gạch chân vào từng câu có những nội dung sai khác với câu gốc và lựa chọn đáp án còn lại.
* Bài 5: Tìm cách sử dụng đúng của từ
– Bạn cần hiểu rõ nghĩa của từ và hoàn cảnh sử dụng của từ để chọn được đáp án chính xác.
– Có thể gạch chân vào phần thấy sai khác về ý nghĩa trong từng đáp án.
2. Ngữ Pháp
* Bài 1: lựa chọn động từ/mẫu ngữ pháp phù hợp
+ Xác định xem câu trả lời là mang nghĩa Phủ định hay Khẳng định.
+ Cần xác định từ trước và sau chỗ trống, chú ý nghĩa toàn câu và chọn đáp án phù hợp.
+ Với những câu lựa chọn kính ngữ: chú ý những từ trong câu có mang sắc thái kính ngữ, trang trọng hay không?
+ Câu chọn động từ bị động/chủ động: chú ý các trợ từ, chủ ngữ để xác định rõ động từ …
* Bài 2: Sắp xếp những từ trong đáp án vào chỗ trống để hoàn thành câu
Dạng bài này, bạn cần chú ý đến từ gần chỗ trống đầu tiên và cuối cùng nhất, sau đó bạn sẽ lựa chọn được 2 từ phù hợp tương ứng ở vị trí đầu và cuối.
Còn 2 từ ở giữa bạn chú ý sắp xếp ngữ pháp, ý nghĩa là sẽ hoàn thành được câu.
* Bài 3: Đề bài là 1 bài văn, có những chỗ trống. và phải lựa chọn đáp án phù hợp để điền vào chỗ trống.
Đọc và dịch nghĩa đến đâu sẽ chọn đáp án phù hợp và điền vào chỗ trống tới đó. Như vậy, sẽ tiết kiệm được thời gian làm bài và sẽ hiểu nội dung dễ dàng hơn.
3. Đọc Hiểu
Thời gian không còn nhiều nên mình áp dụng phương pháp đọc nhanh – hiểu nhanh. Theo cách này, chúng ta không cần đọc hết bài mà chỉ cần tập trung vào các câu hỏi, từ đó tìm ra câu trả lời có trong bài đọc. Cụ thể như sau:
- Đọc câu hỏi trước, chú ý vào dạng câu hỏi ( ý tác giả, nội dung bài viết, chỉ thị từ, nguyên nhân lý do….). Gạch chân Keywords điểm quan trọng của câu hỏi
- Đọc đáp án, và gạch chân keywords. ( mỗi đáp án gạch 1-2 keywords)
- Dựa vào dạng câu hỏi ta đọc phần cần đọc, chú ý đến keywords đã gạch và sử dụng các mẹo để làm bài.
- Tìm đáp án đúng.
4. Nghe Hiểu
Trong cấu trúc đề JLPT N3 mình đã đề cập ở trên, phần nghe hiểu có 28 câu hỏi, mỗi câu chỉ được nghe 1 lần. Vì vậy, dù nghe được hay không, bạn cũng phải lập tức chọn đáp án cho câu đó và tập trung sang nghe câu tiếp luôn. Các tips cho mỗi dạng bài như sau:
- Dạng 1 課題理解 (6 câu): Bạn sẽ được nghe câu hỏi trước do đó cần hiểu chính xác nội dung câu hỏi: hỏi về cái gì? Hay hỏi ai? Với dạng này, bạn cần để ý kỹ trong hội thoại, đối phương đồng tình hay không đồng tình với hành động được đưa ra.
- Dạng 2 ポイント理解 (6 câu): Bạn được nghe câu hỏi trước. Với dạng này, nắm được từ khóa là có thể suy luận được.
- Dạng 3 概要理解 (3 câu): Nghe hết hội thoại rồi mới được nghe câu hỏi. Thường đề bài sẽ hỏi ý chính của đoạn hội thoại hoặc dự đoán ý định hành động nhân vật. Trong khi nghe, hãy tập trung ghi nhớ các dữ liệu và ghi lại các chi tiết nghe được một cách nhanh nhất.
- Dạng 4 発話表現 (4 câu): Vừa nhìn hình vừa nghe giải thích tình huống để chọn hội thoại phù hợp. Ở tranh sẽ có mũi tên chỉ vào nhân vật, và bạn sẽ phải chọn phát ngôn cho nhân vật đó. Hãy nhớ thật chắc các cách nói nhờ vả, sai khiến nhé!
- Dạng 5 即時応答 (9 câu): Bạn được nghe 1 nửa đoạn hội thoại, thường là 1 câu. Và việc của bạn là chọn câu đối đáp thích hợp. Vì vậy, bạn phải thật tập trung nghe và chọn nhanh đáp án trước khi băng chạy đến câu tiếp theo.
Trên đây là Chiến lược ôn thi JLPT N3 trong 1 tháng nước rút và những mẹo đối phó với từng phần thi được rút ra từ kinh nghiệm đi thi của team giảng viên tiếng Nhật tại CodLUCK. Hy vọng với những gì chúng mình chia sẻ ở trên, các bạn sẽ dễ dàng vượt qua kỳ thi lần này với số điểm mong muốn!
CodLUCK liên tục tuyển Tester, QA QC biết tiếng Nhật và các bạn BrSE (Kĩ sư cầu nối) để cùng nhau xây dựng nên một “đế chế” công nghệ vững mạnh, đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số tại Việt Nam. Để biết thêm chi tiết về các vị trí này, các bạn truy cập tại đây hoặc gửi CV về địa: tuyendung@codluck.com nhé!