Gần đây, trên các diễn đàn mạng đang xôn xao, bàn tán rất nhiều về một chatbot siêu thông minh có tên là ChatGPT. Vậy ChatGPT là gì? Nguồn gốc từ đâu? Có thể làm được những gì? Chúng ta có nên sử dụng hay không? Bài viết này sẽ nêu tổng quan về ChatGPT, về sức mạnh mà chatbot này đem lại.
ChatGPT (viết tắt của Chat Generative Pre-training Transformer) là một hệ thống chatbot được điều khiển bởi công nghệ AI. ChatGPT được phát triển và phát hành vào ngày 30 tháng 11 năm 2022 bởi OpenAI – công ty có trụ sở tại thành phố San Francisco (Mỹ). ChatGPT sau 5 ngày đã cán mốc 1 triệu người dùng và sau 40 ngày đã đạt được cột mốc hơn 10 triệu người dùng mỗi ngày – con số vô cùng ấn tượng. Con số này vượt xa các các đàn anh khác như Instagram, Spotify, TikTok. Sau 2 tháng ra mắt, Chatbot sử dụng công nghệ AI này đã đạt được cột mốc 100 triệu người dùng, trong khi để đạt được con số ấn tượng đó, Tiktok mất 9 tháng, Instagram mất 2,5 năm, Google translate mất 6,5 năm. Điều này khiến ChatGPT trở thành từ khóa công nghệ hot nhất trên thế giới hiện nay.
Nguyên lý hoạt động của ChatGPT
Nguyên lý hoạt động của ChatGPT rất đơn giản. Trên giao diện của trang web, bạn sẽ nhập câu hỏi vào khung chat, sau đó chatbot này sẽ đưa ra các câu trả lời phù hợp với câu hỏi của bạn. Chat GPT có định dạng đối thoại, vì vậy có khả năng “trả lời các câu hỏi tiếp theo, thừa nhận lỗi của mình, thách thức các cơ sở không chính xác và từ chối các yêu cầu không phù hợp của người dùng”
ChatGPT sử dụng mô hình công nghệ deep learning GPT-3.5. Loại chatbot này có thể trả lời câu hỏi, trò chuyện, viết email, viết văn ngắn, luận văn, viết code, sửa code, làm thơ, dịch văn bản từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, đưa ra dàn ý cho việc sáng tạo nội dung, content,… phần lớn câu hỏi nào bạn đưa ra thì ChatGPT đều có thể trả lời một cách nhanh chóng, tự nhiên như con người.
Để có thể trả lời nhanh chóng như vậy, đằng sau ChatGPT là tệp dữ liệu khổng lồ: 570gb dữ liệu (~ 300 tỷ từ) thu thập được từ các bài viết trên Internet, báo chí trực tuyến, sách online, các trang mạng xã hội chia sẻ thông tin hàng ngày, và bên cạnh đó là các tài liệu học thuật chuyên sâu.
Các nhà phát triển của OpenAI đã tiến thành các phương pháp hiệu quả nhằm đào tạo cho Chatbot này trong quá trình trả lời, giao tiếp với con người. Họ đã sử dụng công nghệ đào tạo bằng kỹ thuật máy học (Machine learning) có tên RLHF (viết tắt của Reinforcement Learning from Human Feedback – Học tăng cường từ Phản hồi của người dùng). Tại đây, các nhà huấn luyện AI đóng 2 vai trò – người dùng và trợ lý AI, sẽ cung cấp các nguồn dữ liệu đầu vào và huấn luyện để chatbot này trả lời một cách chính xác.
Ví dụ, họ đưa vào câu hỏi: “Mặt Trời hình gì?”, nếu câu trả lời AI đưa ra không chính xác, các nhà huấn luyện sẽ cung cấp dữ liệu đúng, từ đó kho tàng kiến thức của ChatGPT càng trở nên hoàn thiện và sâu rộng hơn.
Ưu điểm của ChatGPT là gì?
Khả năng sử dụng ngôn ngữ linh hoạt
ChatGPT có khả năng vượt trội trong việc sử dụng ngôn ngữ, ngôn ngữ của chatbot này được đánh giá là tự nhiên, bay bổng. Từ đó chatbot này có thể sử dụng để huấn luyện các chatbot chăm sóc khách hàng trả lời các câu hỏi, giao tiếp với khách hàng. Các chatbot sau khi được huấn luyện có thể đưa ra các câu trả lời hiệu quả và cá nhân hóa hơn khiến trải nghiệm chăm sóc khách hàng trở nên dễ dàng hơn rất nhiều, chất lượng dịch vụ cũng được nâng cao. Việc này giúp thương hiệu có thể thu hẹp khoảng cách với khách hàng.
Bên cạnh đó, nhờ vào việc tích hợp nhiều ngôn ngữ, ChatGPT còn dịch được các văn bản từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác một cách mượt mà.
Kiến thức trải dài trên mọi lĩnh vực
ChatGPT được nạp kho dữ liệu đồ sộ với 570gb dữ liệu văn bản, tương đương với 300 tỷ từ cùng các tài liệu nghiên cứu chuyên sâu, trải qua sự huấn luyện chặt chẽ đến từ các chuyên gia AI, bên cạnh đó là khả năng tổng hợp thông tin và truyền đạt mạch lạc, tốc độ phản hồi nhanh chóng, Chatbot này được tận dụng để giúp con người giải đáp các thắc mắc, các vấn đề khó, cần sự gợi ý trong các lĩnh vực của cuộc sống.
Khả năng sáng tạo vô tận
ChatGPT có khả năng sáng tạo đáng kinh ngạc. Với cùng một câu hỏi, ChatGPT có thể đưa ra các câu trả lời hoàn toàn khác nhau, từ đó gợi ý cho người dùng rất nhiều ý tưởng mới mẻ.
ChatGPT còn được sử dụng để hỗ trợ người dùng trong việc nghiên cứu, nâng cấp trình độ nhờ vào kho tàng kiến thức vô cùng lớn. Chatbot này không chỉ hỗ trợ tạo các nội dung trên Website mà các nội dung hấp dẫn, thu hút người đọc trên mạng xã hội cũng có thể được tạo một cách dễ dàng.
Sở hữu sự nhanh nhạy
Nhờ được nạp vào kho tàng kiến thức khổng lồ, ChatGPT sở hữu sự nhạy bén, từ đó chatbot này được sử dụng để tự động hóa các công việc như tạo ra văn bản, trả lời câu hỏi, tự động hóa giao dịch…) một cách nhanh chóng, sử dụng ChatGPT sẽ giúp người dùng tiết kiệm thời gian nhập liệu và đơn giản hóa các thao tác trong việc quản lý, từ đó gia tăng năng suất trong công việc.
Hạn chế của ChatGPT ?
Bên cạnh những lợi ích to lớn, Chatbot sử dụng công nghệ AI này cũng có nhiều điểm hạn chế, đó là:
Nội dung được tạo ra không hoàn toàn đáng tin cậy
Kho dữ liệu của ChatGPT được tổng hợp từ rất nhiều nguồn tin khác nhau, tuy nhiên theo nguồn thông tin của nhà phát triển OpenAI, Chatbot này hiện chỉ đang được cung cấp thông tin từ trước năm 2021, nghĩa là các nguồn tin mới, cập nhật mới của thế giới từ năm 2022 trở đi thì ChatGPT chưa nắm được.
Kiến thức của ChatGPT có được là nhờ các nhà phát triển cung cấp, do đó, với những kiến thức nằm ngoài phạm vi được cung cấp, ChatGPT sẽ khó có thể xử lý.
Trong một vài trường hợp, ChatGPT đưa ra các câu trả lời chi tiết, có vẻ hợp lý, tuy nhiên lại không hề chính xác, thậm chí còn vô nghĩa.
ChatGPT bị hạn chế một số nội dung nhất định
ChatGPT được lập trình hạn chế các nội dung độc hại, bị nghiêm cấm (bạo lực, bài bạc,…) Điều này có mặt lợi lẫn mặt hại, mặt lợi đó là các nội dung độc hại, bị nghiêm cấm sẽ không được ChatGPT gợi ý, mặt hại ở đây đó là các nhà sáng tạo nội dung, nếu muốn viết về nội dung phản biện của những nội dung độc hại này, thì sẽ ít tài nguyên hay gợi ý để viết bài.
Hơn nữa những khuyết điểm của của ChatGPT như thiên lệch (bias) dù được tính đến trong quá trình xây dựng ChatGPT nhưng vẫn là vấn đề tiềm ẩn rủi ro. Ở các khía cạnh khác như kinh doanh, xã hội, con người… thì ChatGPT có ưu việt hay không vẫn còn là câu hỏi mở cần thời gian kiểm nghiệm thêm.
ChatGPT chỉ phản hồi một cách trung lập
ChatGPT hiện tại chỉ đang mô phỏng lại cách viết của con người, chưa thực sự sinh ra bài viết có tính unique – độc nhất, vì mô hình tạo sinh ngôn ngữ đang dựa trên xác suất để tạo ra từ tiếp theo trong một câu hay một đoạn văn, tiếp đó sử dụng cách đánh giá, tính điểm để chọn ra kết quả nào được đánh giá là chuẩn xác nhất.
ChatGPT được lập trình để đưa ra các phản hồi thuộc tính đại chúng, cung cấp những thông tin có ích và trung thực, vô hại đến mọi người. Chính vì vậy, ChatGPT chỉ đưa ra những câu trả lời mang tính chung chung, còn những câu hỏi mang tính cá nhân, cụ thể hơn thì ChatGPT chưa thể đáp ứng được điều đó.
Để giải quyết vấn đề ngày, người dùng phải nhập vào những câu hỏi mang tính cụ thể, chi tiết để AI có thể hiểu được ngữ cảnh và đưa ra câu trả lời chất lượng hơn.
Câu trả lời dài dòng, lạm dụng một số cụm từ nhất định
Các câu trả lời mà ChatGPT đưa ra thường dài dòng, không mang tính cá nhân, lạc đề hoặc kỳ quặc. Siêu AI này cũng thường xuyên lặp lại một số thông tin nhất định, chẳng hạn như tuyên bố lại rằng đó là mô hình ngôn ngữ do OpenAI đào tạo. Những vấn đề này phát sinh từ những sai lệch trong dữ liệu đào tạo (các nhà huấn luyện AI thích câu trả lời dài hơn bởi nó có vẻ toàn diện hơn) và các vấn đề tối ưu hóa quá mức.
ChatGPT chưa có phần cập nhật kết quả mà người dùng nhập lại
ChatGPT hiện được lập trình chỉ trả lời người dung bằng câu trả lời được nhiều người đánh giá chuẩn nhất. Chatbot này sẽ phân tách câu hỏi, trả lời đúng từng ý để đưa cho người dùng câu trả lời khiến người dùng hài lòng.
Bên cạnh đó ChatGPT chưa có phần tự động cập nhật kết quả người dùng nhập lại theo mong muốn của họ nên sau 10 lần đặt 1 câu hỏi, có thể người dùng vẫn chưa nhận được kết quả họ thực sự ưng ý.
Vậy có nên dùng ChatGPT hay không?
ChatGPT là một chatbot có những khả năng siêu việt, có thể giúp đỡ con người trong rất nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Có 2 hướng trả lời cho câu hỏi này như sau:
Câu trả lời là “Có” trong các trường hợp:
- Muốn tìm kiếm sự trợ giúp về lập trình. ChatGPT có khả năng đọc và viết mã một cách rất tiến bộ so với các mô hình ngôn ngữ trước đây
- Viết kịch bản phim, truyện, dựng dàn bài viết đối với các ngành nghề như: Làm phim, Viết lách, Marketing, Quảng cáo
- Chăm sóc khách hàng: ChatGPT có khả năng giải đáp các thắc mắc của khách hàng một cách nhanh chóng, gợi ý các câu trả lời làm hài lòng khách hàng. Điều này giúp doanh nghiệp có thể đánh giá nhu cầu của khách hàng, bên cạnh đó cải thiện chất lượng dịch vụ
- Dịch thuật: ChatGPT có kho tàng ngôn ngữ rất đáng nể, vì vậy người dùng khi cần dịch thuật văn bản, có thể sử dụng ChatGPT như là một gợi ý hữu ích
- Tâm sự, trò chuyện, giải trí: ChatGPT được đánh giá khá cao trong việc giao tiếp, trò chuyện với con người. Chatbot này có thể đưa ra các câu trả lời phù hợp với câu hỏi của người dùng, đem lại trải nghiệm khá thoải mái khi sử dụng
Tuy nhiên bạn vẫn cần xem lại nội dung mà ChatGPT cung cấp trước khi sử dụng.
Không nên dùng ChatGPT trong các trường hợp:
- Giải toán, giải hóa, giải các công thức logic nói chung
- Viết content, bài luận, đoạn văn cần tính chính xác
- Tìm kiếm thông tin, cập nhật các thông tin hàng ngày
Bởi kho kiến thức của ChatGPT được cập nhật từ năm 2021 về trước, kiến thức do nhà huấn luyện cung cấp, tính xác thực không quá cao, không thể thay thế được những nghiên cứu hay ý kiến của chuyên gia hoặc tư vấn viên chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, việc lạm dụng ChatGPT cũng đem lại những nguy hại tiềm tàng. Chẳng hạn như: làm suy giảm khả năng suy nghĩ, giảm trí thông minh, giảm khả năng tư duy, sáng tạo của con người; việc đưa ra các câu trả lời sai liên tục mà không có sự kiểm tra lại sẽ khiến người dùng tin rằng đó là kiến thức đúng, từ đó dẫn đến suy nghĩ sai lệch, ảnh hưởng đến cuộc sống.
Tóm lại
ChatGPT là công cụ hữu ích và có rất nhiều công dụng, có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng cơ bản của người dùng. ChatGPT giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm tải thời gian làm việc và tăng năng suất, hỗ trợ sáng tạo nội dung mới nhờ vào kho kiến thức đồ sộ. Tuy nhiên, do lượng kiến thức của ChatGPT được cung cấp bởi các nhà huấn luyện, người dùng nên kiểm tra lại thông tin mà Chatbot này đưa ra, tra cứu thêm thông tin từ các nguồn tin cậy. ChatGPT là AI nên có chức năng tự học, vì vậy hi vọng trong tương lai, những hạn chế của ChatGPT sẽ được cải thiện một cách tối đa, đem lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng.
Hiện OpenAI chưa hỗ trợ sử dụng ChatGPT tại thị trường Việt Nam, tuy nhiên bạn vẫn có thể đăng ký tài khoản ChatGPT bằng VPN.